Daily Archives: Tháng Mười Một 21, 2007

khi Biên Tập Viên thiếu thiện chí với sách của người khác

Gần đây, trên báo Người Lao Động đã cho đăng một phát biểu của một biên tập viên sách tiếng Trung của một công ty sách khá nổi tiếng, bình luận về một trong số những cuốn sách tôi thực hiện. Phát biểu đó được thể hiện trong bài báo: “TỰA SÁCH GÂY SỐC” như sau: “Theo chị Hoàng Thu Hằng, biên tập viên tiếng Hoa của Công ty Truyền thông Nhã Nam, tựa gốc của cuốn sách do Trang Hạ dịch có ý nghĩa hoàn toàn khác với tựa sách dịch của Trang Hạ, nội dung của tựa gốc tuy khá khó chuyển ngữ sang tiếng Việt cho trọn vẹn, nhưng ý nghĩa thì nhẹ nhàng hơn. Xin lỗi, em chỉ là con đĩ chỉ là một câu nói bất cần của nhân vật chính mà Trang Hạ đã chọn đặt thay cho tựa gốc.”

Về sự việc này tôi rất bức xúc vì tôi cảm nhận rằng người được phỏng vấn đã cho rằng tôi không trung thực khi dịch. Thậm chí bịa ra tên sách để câu độc giả vào đọc.

Khen chê sách là việc bình thường và ai cũng có quyền làm thế. Tôi chỉ thắc mắc là phát ngôn này trực tiếp động chạm đến lòng tự trọng và quan điểm của tôi. Đó là cái thuộc về tư cách cá nhân tôi, buộc tôi phải lên tiếng.

Đáng buồn hơn, sau bài báo trên Người Lao Động, phát biểu của cá nhân biên tập viên này đã trở thành một nguồn tin hợp pháp để nhiều báo chí đưa lại, phạm vi bạn đọc lớn dần, như E Văn, Mỗi ngày 1 cuốn sách, Vinabook, Văn nghệ Chủ nhật, Tin tức Online tổng cộng hàng trăm trang tin trên mạng. Nặng nề hơn, nhận xét của cá nhân biên tập viên này đã mặc nhiên thành một nhận định không cần tranh cãi, được An ninh Thủ đô đưa lại trong bài báo “Gây sốc để câu khách”: Tựa chính của sách đã được dịch giả cố tình “chuyển ngữ”. Vì vậy, hiện nay sự việc và hậu quả không còn đơn giản như ban đầu nữa. Hàng vạn độc giả đang nghi ngờ tôi bịa đặt. Nghi ngờ mục đích của tôi là câu khách chứ không phải là cố gắng giới thiệu văn học mạng đích thực.

Tôi cho rằng biên tập viên này chưa hề đọc cuốn sách tiếng Trung (cuốn mà chị cho rằng nó chính là nguyên tác tiếng Trung của “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”), chưa đọc bản in tiếng Việt của tôi nhất là lời đầu và cuối sách của tôi viết.

Bởi vì nếu đọc thì cô ấy phải biết rằng trên thế giới chưa có cuốn sách nào tên là “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” bằng tiếng Hoa được xuất bản. Và bản in ở Việt Nam là bản đầu tiên (bản gốc) của cuốn này được xuất bản với nội dung nguyên tác, tên gốc.

Thậm chí tôi đã nói rõ rằng khi xuất bản ở TQ, nó đã được kéo dài gấp rưỡi thậm chí gấp hai lần rưỡi, từ 14 chương thành 32 chương, ko dám dùng tên sách gốc mà phải tự bịa ra 2 cái tên đỡ ghê tai hơn. Trong nhiều thư tác giả trao đổi với tôi nói rõ điều này rồi. Chỉ có bản ở VN là bản duy nhất mang tựa sách gốc của tác giả đặt cho tác phẩm và trung thành với nguyên tác. Tôi là người dịch, tôi là người bỏ tiền ra mua bản quyền, tôi là người nỗ lực chứng minh với cả Cty sách ở VN lẫn NXB ở VN để giữ tên sách gốc cho tác giả. Tại sao người được phỏng vấn đã ngược lại, cho rằng tôi bịa đặt so với nguyên tác.Bạn ấy có biết nguyên tác thế nào không?Tại sao bạn ấy lấy thứ được in ở TQ làm tiêu chuẩn cho tôi? Tại sao vì 1 biên tập viên nào đó của TQ ko dám in tên thật của sách, tức là tôi phải gánh cái tội bịa đặt với độc giả?

Tôi vẫn chủ trương rằng, văn học mạng tức là hay sẽ là văn, dở sẽ là rác. Người ta ko dám in “XLECLCĐ” ko có nghĩa là VN ko thể in được như thế. Trung Quốc chưa bao giờ là mẫu mực của Việt Nam, đừng lấy cách biên tập của bọn Trung Quốc ra làm tiêu chuẩn để đánh giá tôi ! Nếu nói nguyên tác thì chính cuốn “XLECLCĐ” ở VN tuy được phát hành sau nhưng chính là nguyên tác cho 2 cuốn ở TQ phát hành trước đó! Bạn đó có hiểu bản chất của văn học mạng không để hiểu ngọn nguồn và có sự đánh giá đúng đắn công việc của tôi? Vì sao tôi vẫn quyết định chỉ dịch nguyên tác mỏng dính chứ không lười biếng ỷ lại vào 1 cuốn sách nào đó ở TQ? Vì tôi tin tưởng vào trình độ chọn sách của tôi, trình độ thẩm định của tôi, vì tôi có quan điểm độc lập và các thang đánh giá giá trị một tác phẩm riêng theo góc nhìn của 1 người VN, vì tôi không chấp nhận hành trình truyền thống của một cuốn sách là sách qua NXB nước ngoài rồi mới đến được NXB VN. Trung Quốc cho đến hôm nay 22/11/2007 chưa bao giờ xuất bản cuốn “XLECLCĐ” 14 chương không có nghĩa là VN cũng vì thế không thể xuất bản cuốn đó.

Ngoài ra, trong hợp đồng bản quyền tác giả làm với tôi cũng ghi rõ là tác giả bán cho tôi bản quyền cuốn “XLECLCĐ”, và dòng chữ tiếng Hoa in lên bìa sách cũng là tên đó bằng tiếng Hoa. Tất nhiên, người được phỏng vấn chưa được nhìn thấy hợp đồng bản quyền của tôi.

Chỉ một câu nói thôi, làm tôi rất hụt hẫng. Tất nhiên tôi hụt hẫng bao nhiêu cũng chả liên quan đến các bạn và báo Người Lao Động vì đó là cảm xúc của cá nhân tôi. Tôi cũng không có mục đích là cần Người Lao Động đính chính hay người được phỏng vấn đó cải chính. Mà tôi rất muốn thanh minh với độc giả thôi, các độc giả đã từng mua sách, từng mua sách lậu hoặc đọc ké trên mạng rằng: Tôi không phản bội người đọc, tôi không phản bội nguyên tác, tôi không Bịa Đặt!

Về hiện tượng những phát ngôn thiếu thiện chí từ phía các Biên tập viên, trước đây tôi đã gặp một trường hợp tương tự khi Biên tập viên Thành Nam của NXB Trẻ phát biểu trên báo Thể Thao Văn Hoá rằng, cuốn Những Đống Lửa Trên Vịnh Tây Tử của Trang Hạ chỉ là một cuốn sách dịch cóp nhặt ở các nơi về và ra sách, đấy không phải là sáng tác của Trang Hạ, cũng chẳng liên quan đến blog. Và chỉ có cuốn sách của anh Thành Nam làm mới là cuốn sách Blog đầu tiên của Việt Nam.

Tôi không cần chứng minh Những Đống Lửa Trên Vịnh Tây Tử không chỉ là tác phẩm do tôi viết ra 100% và còn từng đoạt giải thưởng của một cuộc thi sáng tác Văn học trong nước. Tuy nhiên tôi nghĩ phát ngôn thiếu thiện chí của Biên tập viên này chỉ làm cho bạn đọc phát hiện là anh chưa từng đọc cuốn sách anh đang bình luận, và anh đang muốn nâng tầm “đứa con tinh thần” của anh lên, bài báo của Nguyễn Mỹ trên Thể Thao Văn Hoá cũng không lan tràn trên mọi mặt báo điện tử, vì vậy tôi đã bỏ qua.

Tuy nhiên hiện tượng Biên Tập Viên nơi này phát biểu không thật chính xác về cuốn sách kia, gây ra những phiền hà và tổn thất không đáng có cho người khác, thì tôi tin rằng tôi không phải là người chịu tổn thất đầu tiên, cũng không phải là người cuối cùng gặp phải. Hy vọng những người được mặc định vị trí “giám khảo” cho sách, được người đọc tin cậy như các biên tập viên sách, cũng như chủ nhân các công ty sách có một quan điểm đúng đắn khi phát biểu về những thứ không thuộc sở hữu và hiểu biết của mình. Ngoài ra, công ty sách cũng là một doanh nghiệp có ý thức rõ rệt về lợi nhuận, có mục tiêu lợi nhuận, và bị đặt trong môi trường cạnh tranh như bất kỳ doanh nghiệp nào trên thị trường. Việc quản lý mọi nguy cơ ảnh hưởng tới hình tượng doanh nghiệp, trong đó có xét tới vấn đề hành vi và phát ngôn của các cá nhân trong công ty, cũng nên được công ty xem xét tới.

P/S: Hiện tại ở Việt Nam mọi cuốn được mua bản quyền và tiến hành xuất bản trên thực tế đều dựa vào bản in của nước ngoài. Nói đúng hơn là biên tập viên các Công ty sách và NXB của VN đang biên tập sản phẩm sách “nhập khẩu” của mình dựa trên sự biên tập của các NXB nước ngoài. Việc này có trung thực và đảm bảo quyền lợi của tác giả cũng như người đọc không? Sự biên tập của NXB nước ngoài liệu đã được coi là tiêu chuẩn “mặc định” cho một tác phẩm đi từ tác giả tới người đọc chưa? Khi bản thân sự biên tập đó đã bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, quan điểm xuất bản, thuần phong mỹ tục, mỹ cảm v.v… của Biên tập viên nước ngoài? Tại sao nhất định phải tôn trọng trình tự đó? Sẽ làm gì nếu sự biên tập của NXB nước ngoài đi ngược lại mong muốn của tác giả (Mà trong trường hợp của tôi là đổi tên sách, kéo dài sách, không cho tác giả lấy tên thật Tào Đình để đảm bảo doanh thu)?

Tôi đang xúc tiến mua bản quyền một cuốn sách mới của một tác giả mà nếu được xuất bản tại Việt Nam, nó sẽ được đăng nguyên văn toàn bộ nguyên tác, vì nó không có vấn đề gì về nội dung tại VN, tôi cho rằng nó sẽ không gặp trở ngại gì tại VN, dù tác giả rất buồn phiền vì sách đã bị cắt và xoá, kiểm duyệt mất nhiều phần quan trọng khi được in ở nước ngoài trước đây vì liên quan đến tôn giáo, chính trị, chế độ, người cầm quyền, lịch sử v.v… tại nước đó. Chẳng lẽ chỉ vì tôi là người Việt Nam làm sách nhập nên tôi buộc phải xoay xở trên đống bản thảo đã bị NXB nước ngoài phá trinh?

for Ad
Hôm nay khỏi quảng cáo đi!