Monthly Archives: Tháng Một 2007

The Earth song



Hôm nay nhân lúc nấu cơm với dọn tủ lạnh, mình lôi ra được một miếng thịt nai to vật còn sót lại trong ngăn đá. Chả bíết ăn thế nào, nấu với cái gì, trông màu sắc thịt cũng chẳng đẹp mắt gì cho lắm. Nhân tiện có ai biết chế biến thức ăn từ thịt nai thì chỉ mình với nhé. Hậu tạ.

Thỉnh thoảng đi ngoài đường vẫn thấy xác nai nằm ngổn ngang vì bị xe cán. Trông cũng kinh dị nhưng nhìn mãi thành quen. Xác mấy con sóc xám hay bất kỳ con gì lao từ rừng ra không kịp phanh là đảm bảo sẽ có ngay một bộ da hòanh tráng nằm lại bên lề đường.

Sau thịt nai lại nhớ đến ở nước mình người ta cứ thấy thú rừng là bắn bòm vác về. Nhìn mấy con thú lạ lẫm mà mình thấy “phải tội” ghê lắm. Sợ nữa. Chưa bao giờ mình dám ăn thịt con gì không phải gia súc, gia cầm, cứ thấy sợ sợ thế nào. Chưa kể nào là cao khỉ, mật gấu, huyết lình, trăn, rắn, thằn lằn, mèo, chuột… ôi thôi tá lả tùng phèng cũng được đem ra ngâm rượu để uống cho cường thận với chả bổ dương. Không hiểu các ông các bà có chế độ dinh dưỡng kiểu gì mà cứ phải sử dụng đến những thứ quái gở ấy để phục vụ bản năng của mình? Trước đây là người ta dùng những thứ này chỉ để chữa các bệnh nan y này kia nọ, nay thì các bác chả có bệnh tật gì sất cũng lôi ra ngâm mình vào đấy để chứng tỏ ta đây quyền quý giàu sang, có nhiều đồ chơi bổ “lực”.

Trước, bài Earth song (MJ) cũng ra đời để cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm, chặt phá rừng, chiến tranh, chết chóc trên thế giới. Đúng là phải nhìn thấy những vùng đất hoang tàn sau chiến tranh hay khu vực bị nhiễm phóng xạ của thế giới này mới thấy được hình ảnh của vùng đất chết. Mong là có thể tránh được. Nước mình thì đã xa cảnh máu lửa ấy từ khỏang ba chục năm trước (trộm vía), nhưng ở một nơi nào đó trên trái đất này, trẻ em và con người nói chung vẫn bị đánh cắp sự sống hàng lọat, nói gì đến mấy cặp ngà voi hay mấy tảng thịt của cá voi xanh.

The Earth song

Những tia nắng ban mai sẽ thế nào

Mưa sẽ thế nào

Mọi thứ mà con người nói cố gắng bảo vệ sẽ như thế nào

Rồi những cánh đồng,

Tất cả những thứ thuộc về chúng ta, chúng sẽ ra sao

Bạn đã bao giờ dừng lại để nhìn xem,

Chúng ta đã đổ bao nhiêu máu cho trái đất này?

Bạn đã bao giờ dừng lại dể nhìn xem,

Trái đất đang khóc than và bờ biển đang gào thét?

M. J.

History – 1995

Phiền với cái code này quá đi mất… thông cảm, xem tạm cái font lằng nhằng này nha bạn.

<

</embed>

Mạc Can, từ danh hài đến nhà văn


Mạc can


Quyển sách nằm trơ trọi trên bàn. Ngày nào đi về cũng thấy nó nằm im lìm ở đấy, không suy suyển. Có lẽ là truyện của con bạn mới về Việt Nam đem sang. Quyển sách có bìa xanh, nhìn giống y những quyển truyện vẫn bán ngoài nhà sách. Tôi có nhác nhìn thấy bìa sách có chữ “Mạc Can” và hơi thắc mắc không lẽ lại là ông Hề Mạc Can, hay lại có một Mạc Can khác trong lĩnh vực văn chương. Cả tháng trôi qua, quyển sách vẫn cứ ở chỗ cũ.

Nó sẽ không được tôi nhấc lên và tôi sẽ không thể biết được ông Hề ngày nào nay đã già, đã trở thành một nhà văn được chứng nhận cho đến khi quyển sách rơi xuống trước mặt.

Không biết từ khi nào tôi đã yêu thích miền Tây như một vùng đất của bình yên. Tôi yêu Long Xuyên với bến phà nhộn nhịp, yêu đôi bờ bên Cao Lãnh bên Châu Đốc đò chạy liên miên. Dù cho miền này có hay bị lũ lụt đi nữa thì nó vẫn đem lại cảm giác bình dị và thanh thản mỗi khi trở về. Và dường như ông Hề cho tôi cảm giác “miền Tây” ấy, xuất thân của ông là từ Tiền Giang. Vài người miền Nam nói với tôi rằng, là người vùng khác mà còn rành miền Tây hơn cả người ở miền Nam nữa. Tôi biết đó chỉ là họ nói thế, chứ kiến thức về miền Tây của tôi còn hạn chế nhiều. Người miền Nam sống chan hòa chất phác, thường xuề xòa cười nói rất vô tư, mày tao chí tớ một cách tự nhiên để thể hiện sự thân mật.

Quay trở lại với ông Hề, trước đây tôi hay được gặp ông ở đài truyền hình sau giờ tan học. Tôi hay trêu một nhân viên khác của đài là “Mạc Can 2” vì nhìn rất giống ông Hề. Mạc Can đã tự vẽ cho mình một chân dung nhỏ: “ Tôi là một tên hề. Một người có khuôn mặt rất “hẻo” và tướng đi lắt nhắt lùn sịt. Một người ít học, một kẻ bị cuộc đời đối xử “quá khó”. Tôi đã lang thanh từ lúc bắt đầu được sinh ra. Tôi chẳng làm được gì trong suốt cuộc đời mình…”

Nếu không phải xa thành phố thì chẳng hôm nào ông Hề bỏ thói quen lui tới quán quen thuộc trong khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo, chỉ để tán gẫu cùng bạn bè bên ly trà đá. Vài năm trước, khi sắp buớc vào tuổi 60, không biết thế nào mà Mạc Can lại nhảy qua viết văn. Ông thường ngồi trong quán nhỏ 81 TQT rảnh rỗi, ngứa ngáy tay chân mà viết thử. Ông cứ viết tự nhiên như ông sống. Ông viết khi chính ông còn chưa thuộc ngữ pháp và chính tả cần thiết của tiếng Việt. Trước đây, ông Hề cũng đã viết một vài kịch bản cho chương trình “trong nhà ngoài phố” mà tôi rất thích. Tôi thường chờ đợi mỗi tối thứ Năm hàng tuần để xem trên đài Truyền Hình TP. Mạc Can cũng đã có cuốn sách để tự mình gối đầu giường, tên là “Món nợ kịch trường” do NXB Trẻ ấn hành. Thời đó, Mạc Can chưa quen ai. Ông gửi bản thảo tới NXB Trẻ và hàng ngày đi ngang qua mà không dám vào hỏi. Cho đến một ngày ông nhận được điện thoại của người biên tập mời ông đến nhận sách và nhuận bút, Mạc Can đã khóc…

Vậy đấy, đến tuổi lục tuần, ông Hề mới gặp một bước ngoặt ý nghĩa. Đúng là ông đã không nhận ra cái mình yêu thích sớm hơn, nhưng sự thay đổi tích cực luôn luôn không bao giờ là quá muộn. Nếu có ai đó còn đang vất vả ở tuổi 40, 50, … xin hãy tiếp tục cố gắng vì thành công sẽ đến với những người kiên nhẫn.

14 Jan 07

nhvt


Thời của Tản văn và Tạp bút : http://maccan.it.tt/

Bài viết có sử dụng thông tin từ :

— “Mạc Can – Tuyển truyện ngắn mới nhất – Người nói tiếng bồ câu”. NXB Thanh Niên.

— Lời bạt – Nguyễn Thanh Bình

Hạn ngạch

Nghe phong phanh rằng từ nay VN sẽ từ bỏ hạn ngạch cho ngành dệt may từ VN vào Mỹ.

Mỗi ngành đều có hạn ngạch gọi là quota. Cũng vì cái quota này mà các ông các bà tai to bụng bự có cơ hội lộng hành và tham ô luồn lách. Điển hỉnh là đồng chí D. không biết nay đã bóc được mấy quyển lịch trong nhà lạnh rồi…

Nói riêng ở Mỹ, thị trường rộng lớn nhất thế giới đang chủ yếu chiếm lĩnh bởi hàng made in China chất lượng quốc tế. Vietnam thì được đặt hàng chuyên về áo khóac, cứ mỗi khi nhặt một jacket nào lên là biết ngay đó là made in VN. Có lẽ VN xuất khẩu riêng mặt hàng áo khóac đã hết quota nên những mặt hàng khác đành kiếm thị trường khác. Nay bỏ hạn ngạch, hi vọng hàng VN chất lượng quốc tế sẽ được bao phủ nhiều hơn.

Thôi thì bỏ được cái quota nào là mừng cho cái quota ấy, bớt một quota là bớt được một chiến binh tương tự cha con ông D, không biết còn những khó khăn gì đang chờ phía trước.

Tiếng quê



Tiếng quê là cả một linh hồn.

Tiếng quê thầm rung lên khi nghe một bài hát tiếng Việt giữa nơi xa lạ

Tiếng quê chợt hiện ra khi đứng trước một nơi chốn cũ lâu ngày gặp lại

Tiếng quê mình, đằm thắm thiết tha.


Suy nghĩ của mỗi người mãi mãi khác nhau, nhưng khi đứng trước quê hương, họ không thể phủ nhận những gì thuộc về họ.

Có người đã đi xa quê mình, với muôn nghìn lý do. Dù họ ra đi hay trở lại, tiếng quê vẫn mãi vang vọng trong tâm hồn. Người ta có thể ghét bỏ một con người, một đám người, một chế dộ… nhưng rồi họ vẫn bộc lộ nỗi thương nhớ của mình từ những nơi họ đã đi qua, từ những nơi có cộng đồng họ đã sống.

Tôi thấy, ai đó đã chảy nước mắt khi đứng truớc biển, nơi bãi cát vàng đã nuôi lớn cả tuổi thơ nô đùa.

Tôi thấy, người ta cương quyết sẽ không về, nhưng rồi chân cứ bước và họ tìm lại được bình yên từ nơi họ đã hắt hủi.

Tôi thấy, ai đó dạy con cái họ từng nét chữ tiếng Việt, từng vần ê a để con mình có thể nói được tiếng nói của dân tộc.

Tôi thấy, người ta đã trở về và càng gắn bó với quê hương hơn khi đã nhận ra đâu là nơi phù hợp với mình.

Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược
Tiếng quê lặng thầm nhưng day dứt khôn nguôi.


Tiếng quê vang vọng

Nhớ nhà

nhvt
010807