Monthly Archives: Tháng Mười Một 2006

Văn hóa phục vụ

 

Image

 

Tiếp dân!

 

Việt Nam đang là một nước phát triển, người mua người bán tấp nập (và hứa hẹn sẽ tấp nập sầm uất hơn). Văn hóa ứng xử cũng ngày một văn minh hơn (đơn vị tính bằng thập niên). Cụ tỉ là cách cư xử của con người từng vùng cũng có khác nhau.

Tôi là người của cả hai miền nên may mắn “thẩm thấu” được cách đối xử giữa tông ti-họ hàng, cha mẹ-con cái, người mua-người bán của cả miền trong lẫn miền ngòai, tính luôn miền Trung nữa, tuy không nhiều. 

Đang trên đà suy ngẫm về thị trường-xã hội nên muốn kể chuyện về phong cách buôn bán ứng xử của miền Bắc, đặc biệt là ở HN. Phong cách nổi bật của người bán vẫn theo một nếp “người mua cần mình” nên lúc nào cũng quát tháo đe nẹt khách hàng. Ngay tại Thủ Đô mà còn đá đểu khách “cái này đắt lắm đấy, có tiền mua không? Không thì đi đi cho chị bán hàng nhá…”. Đúng là đau hết cả người.

Nhưng người ta oai thế cũng là phải có lý do chứ nhỉ. Bởi vì HN là nơi tập trung các cơ quan đầu não của cả nước này, là nơi hội tụ nhiều nhân tài này, các đại sứ quán nước ngòai này, nhiều Tây này, nhiều trí thức này, ô tô cũng tòan là biển xanh này, máy móc óc não gì là ở đây hết này, lại là Thủ Đô này… úi giời, cứ gọi là đến cả bà bán bún ốc cũng kiêu ra riêu đầy mỡ.

Đơn cử một ví dụ, lần ở HN mấy tháng, mình có vào một cửa hàng định mua sữa Vinamilk, quay ra quay vào mãi mà không chọn được đúng loại có đường vẫn mua. Thấy chị bán hàng đang ngồi thảnh thơi nhể lông mày, thế là đằng hắng một cái để chọn một giọng sao cho trong trẻo ngọt ngào nhất (biết thừa rồi) để hỏi xem có loại sữa đang cần không. Thế là chửa kịp nghe ra răng rứa mô tề gì chị đã cho ngay một lời có cánh “trong tủ ý, mở ra mà tìm, có thì mua, không có thì chịu…” – quả là tuyệt mỹ giai nhân có bộ lông mày tuyệt hảo.

Đấy, nếu kể ra thì còn ti tỉ tì ti các ví dụ mà mình sẽ không thể nào kìm được lòng tự trọng. Thà không uống sữa chứ mua phải của nhà chị ấy thì có mà phải gió.

Khi nào lại đi ăn “bún ốc chấm” để lại bị quát tiếp cho vui nhỉ. hì hì

 

14 Nov 06

Image

 

Văn hoá phục vụ kiểu Hà Nội

 

Bà chủ hàng phở gà trên phố Lương Văn Can có thể thét mắng bất cứ khách hàng lơ ngơ nào. (Ảnh: Jundat)

Đấy mới chỉ là một trong rất nhiều những thói quen khó hiểu đầy sự chịu đựng của người Hà Nội. Nhưng đã đến lúc bắt buộc phải nhìn lại văn hoá phục vụ tại Hà Nội.

Nhìn cảnh người ăn phở tay giơ cao tiền mặt, đứng kiên nhẫn xếp hàng ăn phở trên phố Bát Đàn, Nhà Chung mới thấy thật thương. Cô “mậu dịch viên” áo blouse trắng, mặt hoa da phấn mà lạnh như tiền, không tiếc câu chuyện phiếm với nhau cứ nhìn tiền khách mà làm phở.

Người ăn ngoan ngoãn tự bưng phần ăn của mình tìm chỗ ngồi. Nếu ăn chua muốn xin thêm một phần tư miếng chanh là y như rằng bị mắng cho xơi xơi vào mặt – ăn gì mà chua thế, vắt gì mà dối thế…

Cũng ăn phở trên Lò Đúc còn khối chuyện bi hài. Nếu không biết ngồi yên một chỗ, gọi phục vụ một tô phở là y rằng bị mấy cô cậu mặt non choẹt mắng vào mặt. Ăn phở tái lăn ở đây không trình tiền ra trước là đừng hòng có phở mà ăn. Nhiều khách muốn có miếng chanh tươi ăn kèm ư, đừng hòng, ở đây chỉ có giấm thôi nhé…

Ở Hà Nội nó vậy, phở nhà này ngon có tiếng, ăn không ăn thì biến. Có khối người bởi thế mà cứ cắm đầu mà ăn, không “dám” ngo ngoe thêm tiếng nào.

Chuyện truyền tai ở Hà Nội rằng cũng đã có ông tướng tay điện thoại cho “ông nhớn” tay kia cầm một viên gạch lề đường thả tõm vào nồi nước lèo hàng bánh đa nổi tiếng: ngon, đông khách, cô chủ chửi như hát hay và tính tiền điêu như thói quen. Nghe đâu, cô hàng đanh đá hôm đó đau tái mặt, miệng như bị khâu vì gặp phải ông tướng con coi trời bằng vung…

Dân tình nghe đến sướng, mấy hàng cháo chửi, bún chửi, bánh đa chửi cứ phải gặp mấy tướng con này. Để bớt đi cái “tự hào” phát gớm, miệng phun cả thúng từ ngữ vỉa hè xó chợ, đầu cứ đinh ninh miếng ăn ngon thì ai thèm ắt phải chịu…

Image
Hàng “cháo chửi” khét tiếng của bà Mỹ ở Lý Quốc Sư nay đã hoà nhã với khách ít nhiều. (Ảnh: Jundat)

Cái trò vui ăn hàng hành xác hành tai này đã đến lúc tàn dư là vừa. Hà Nội ngày càng thay đổi. Có quá nhiều những thay đổi dần dần trong văn hoá phục vụ mà nếu không để ý thì cũng khó nhận ra. Quán cà phê Paloma ở ngã tư đẹp bậc nhất Hàng Bài – Lý Thường Kiệt thuở nào “lừng danh” vì cung cách phục vụ rất bao cấp là không nói năng – không cười – không tiễn khách, nay đã bị cạnh tranh bằng cả con phố Lý Thường Kiệt hàng chục cà phê kiểu mới. Paloma nay đã bị thay thế bằng một quán khác, chẳng cần cải tiến gì nhiều chỉ cần thay đổi thái độ phục vụ thực khách là có thể tìm vị trí xứng đáng…

Bây giờ không thể kể một lúc là hết những quán cà phê, nhà hàng kiểu mới. Các thương hiệu quán xá Bắc Nam cũng phổ biến toàn thành. Phở truyền thống Hà Nội cũng bị cạnh tranh sát sườn với chuỗi nhà hàng Phở 24, phở Vuông sáng choang sạch sẽ…

Một nhà hàng, cà phê mới nào mở ra, việc đầu tiên của ông chủ là đào tạo nhân viên phục vụ. Thay đổi nhiều rồi. Thay đổi để nhân viên nào cũng biết mỉm cười, biết đứng xa im lặng khi khách hàng trò chuyện, biết cảm ơn khi khách rút ví trả tiền, biết mở cửa đỡ đồ giùm phụ nữ… Xã hội hiện đại dù giữ truyền thống nhiều đến đâu, cũng chả cần thiết phải giữ những bà chủ sẵn sàng chống nạnh phun vào mặt thực khách những lời khó nghe…

Còn những người lưu luyến thú vui vỉa hè, liệu đã thay đổi hay chưa?

Theo Lũng Yên
Sài Gòn Giải Phóng

Enjoy your time in HN 🙂

 

 

Hòn Vọng Phu

 

 

Image

 

Hòn Vọng Phu – Núi Chờ Chồng

 

Bỗng dưng nhớ da diết câu hát chờ mong “có ai xuôi Vạn Lý…”  

Đất nước Việt Nam với nền văn hóa phong phú lâu đời, lại thêm vào những thiên tai địch họa cũng như những danh lam thắng cảnh được điêu khắc bởi đôi tay của tạo hóa mà hình thành nên một kho tàng truyện cổ đồ sộ. Nhìn lại mới thấy thật ngưỡng mộ ông bà ta ngày xưa bởi trí tưởng tượng phong phú và lô-gic, tuy hư cấu như Âu Cơ – Lạc Long Quân hay hoang đường như Thánh Gióng thì mọi hiện tượng thiên nhiên cũng đã được lý giải. Cái hay của những câu chuyện là sự xen kẽ của khái niệm, lẽ sống, cái thiện – ác phân minh luôn đan xen vào nhau tạo thành một màu sắc trầm hùng bi tráng. Lịch sử của vạn vật cứ bắt đầu như thế.

Và sự thủy chung cũng sắt son của người phụ nữ cũng khó có thể suy suyển “Có ai xuôi Vạn Lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý, thắp lên thương nhớ chàng…” (Lê Thương)

Hòn Vọng Phu (I, II, III) mà chúng ta vẫn thường nghe là của nhạc sĩ – nhà giáo Lê Thương, được sáng tác dựa vào Tích Hòn Vọng Phu (nguồn tạm đầy đủ); lần lượt ra đời vào các năm 1943, 1946, 1947. Nghe những lời hát trầm bổng ấy, ta vừa cảm nhận được sự oanh liệt của đòan quân, vừa cảm nhận được sự mòn mỏi nhưng kiên tâm của thiếu phụ chờ chồng mà hóa đá.

Năm 2003, khi có dịp đi qua Lạng Sơn, tôi mới có cơ hội được đứng xa xa ngắm Hòn Vọng Phu mà nay đã bị mưa bão tàn phá. Hòn Vọng Phu không còn nguyên vẹn như trước đây. “Cái đầu” của đứa con bị rơi ra và người ta lại bê về đặt lên một nơi khác để bà con đến thắp nhang, âu cũng là một niềm tin nho nhỏ về Hòn Vọng Phu từ trước đến nay mà người dân thờ phụng, xin chớ gọi đó là cuồng tín. (Cuồng tín thì phải như các ông quan to, tai dầy, trong dịp Tết Nguyên Đán thường dắt díu nhau con đàn cháu đống, đi xe biển xanh về xếp lớp lớp ngoài cổng Đền Trần để chờ lễ Khai Ấn xin lộc Vua Trần thì mới là “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe nối dài…“)

Lại nói về Hòn Vọng Phu với ý nghĩa tình nhân thế thái, người ra đi dứt khoát ra đi, người ở lại dứt khoát ngóng chờ. Vì anh nghĩ người ở lại sẽ quên được mình, nhưng anh nào có biết người chờ anh? Nếu anh biết có người phải khổ vì mình, anh có đi không? Ngóng hướng người đi nàng đứng đợi. Ôm con chờ mãi mãi thủy chung. Nẻo trời xa bóng người biệt tích. Nhờ mưa rào hóa đá khối lòng son…  

Hòn Vọng Phu hình như còn tọa lạc ở một vài vị trí khác nhau (miền Bắc, miền Trung) nhưng tích trước nhất là kể về:  

Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

(st)

 

HVP

nhvt

101106


Image

 

Hòn Vọng Phu I

Hòn Vọng Phu II

 

Tham Khảo : Nhạc Sĩ Lê Thương (1914-1996)

Tham Khảo : Phố Kỳ Lừa (1885)

Bài viết có tham khảo một số tài liệu online.

Xin cảm ơn.

 

Image

 

 

VN, Khởi đầu mới, ngày 7 tháng 11 năm 2006

 

 

Image

 

Ngày mùng 7, tháng 11, năm 2006

 

Tại Geneva, VN được chính thức kết nạp và trở thành một thành viên mới của Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Organization – WTO). Và chỉ vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo APEC sẽ nhóm họp ở Hà Nội. Vào dịp lễ Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn), tổng thống W.G.Bush cũng sẽ có mặt tại Viêt Nam và đó sẽ là một kỳ nghỉ lễ đáng nhớ của ông ấy. Chúng ta đang đón chào một bước tiến mới trong thời kỳ hội nhập của nước nhà và kết chặt hơn quan hệ với các nước khác.  

Mọi thứ đã sẵn sàng cho một lễ kết nạp nhưng là một sự khởi đầu gian lao cho một thương trường mới. Gia nhập WTO là một sự khởi đầu tiếp theo của những sự khởi đầu. Này là AFTA, này là ASEAN, này là WHO, này là IMF, … Việt Nam đó nay đã dần trở thành một thành viên thường xuyên của tất thảy những cuộc họp Thượng Đỉnh.

Rồi đây, những con số sẽ dần dần thay đổi. Thống kê quốc tế sau này sẽ không còn xuất hiện mức Thu Nhập Bình Quân đầu người bằng $555 (2004) nữa mà nó sẽ chuyển thành $5555 hoặc hơn. Tỉ lệ thất nghiệp sẽ là một con số thu nhỏ lại dần. Tiến lên nào, hơn 82 triệu người dân Việt Nam vẫn đang hừng hực ý chí cho một ngày mai phát triển.  

Từng bước, từng bước, chúng ta đang cố gắng hòa nhập quốc gia mình vào cộng đồng thế giới. Dù cho con đường ấy có dài lâu, phải trải qua nhiều thế hệ, phải kiên nhẫn và hy sinh thì thành quả đạt được chắc chắn sẽ luôn luôn là những nụ hoa tươi đẹp, để từ đó nụ nở thành hoa, ta hân hoan hát vang lời ca tự hào, hãnh diện.Lời Người sẽ mãi vang xa và chảy rạo rực trong lòng tất cả những người ở lại, “đất nước mình sánh vai cùng cường quốc Năm Châu” .

7.11.2006 

NHVT

 

Image

Hỡi đồng bào cùng treo cờ Tổ Quốc,

một khởi đầu cho cây trái đơm hoa

(nhvt)

Image

Đồng bào một nỗi vui chung,

cùng nhau xây đắp nước nhà tươi xanh

(nhvt)

Image

 

Việt Nam chiến đấu xông pha,

Mỗi cơn sóng qua là một khởi đầu rất mới.

(nhvt)

Image

 

Tóm tắt quá trình gia nhập WTO của VN (tríc báo TT)

Đường vào WTO
 

TT – 4-1-1995: Đơn xin gia nhập WTO của Việt Nam được Đại hội đồng tiếp nhận.

31-1-1995: Ban xem xét công tác gia nhập (WP) của VN được thành lập với chủ tịch là ông Eirik Glenne, đại sứ Na Uy tại WTO.

24-8-1995: VN nộp bị vong lục về chế độ ngoại thương VN và gửi tới Ban thư ký WTO để luân chuyển đến các thành viên của ban công tác.

Năm 1998-1999: Các phiên hỏi và trả lời với ban xem xét công tác xét duyệt.

Đầu năm 2002: VN gửi bản chào ban đầu về thuế quan và dịch vụ tới WTO và bắt đầu tiến hành đàm phán song phương với một số thành viên trên cơ sở bản chào ban đầu về thuế quan và dịch vụ.

9-10-2004: VN và EU đạt thỏa thuận về việc VN gia nhập WTO.

9-6-2005: VN và Nhật Bản đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề mở đường cho VN sớm gia nhập WTO.

12-6-2005: VN cử một phái đoàn đàm phán hùng hậu sang Washington trước thềm chuyến thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải với quyết tâm đi đến kết thúc đàm phán song phương.

18-7-2005: VN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về việc mở cửa thị trường để VN gia nhập WTO.

31-5-2006: Ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương với Mỹ – nước cuối cùng trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương.

26-10-2006: VN hoàn tất đàm phán đa phương tốt đẹp với các nước. Cuộc đàm phán trước đó diễn ra căng thẳng và tưởng chừng không thể kết thúc được cho đến phút chót.

Theo Tuoi Tre

Hình  Tuoi Tre

 

Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe và theo dõi.

 

Image